Theo đó, một khu đô thị muốn được công nhận kiểu mẫu phải rộng từ 50 ha trở lên, có thể nhỏ hơn nếu là khu vực cải tạo đô thị hiện đại, nhưng không nhỏ hơn 20 ha. Quy mô dân số phải từ 5.000 người trở lên hoặc tương đương 1.000 căn hộ, hộ gia đình, bố trí ở các dạng chung cư cao, thấp tầng, biệt thự, nhà ở phân lô…
Một góc của khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HoiKTS |
Cụ thể hơn, các khu đô thị kiểu mẫu phải có hạ tầng kỹ thuật với tỷ lệ lấp đầy theo diện tích lớn hơn 70%, đối với khu dân cư đạt 100%; thuận lợi cho người tàn tật; đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy. Khoảng cách tiếp cận với các phương tiện giao thông công cộng từ nơi ở, làm việc không quá 500 m. Nước phải cấp theo tiêu chuẩn trung bình hằng ngày từ 150 lít mỗi người, đảm bảo 24/24h. Tỷ lệ cây xanh công cộng từ 7m2 một người, đảm bảo không gian xanh, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, y tế… Tỷ lệ chất rắn thu gom phải 100%, chiếu sáng toàn bộ các khu dân cư và công cộng, có quy định cụ thể giá cho từng dịch vụ bảo vệ, gửi xe…
Việc đánh giá đô thị kiểu mẫu sẽ phải thông qua một hội đồng là đại diện các Sở liên quan như Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông, Tài nguyên Môi trường, Hội Kiến trúc sư, Quy hoạch… Sau đó, hồ sơ được duyệt sẽ chuyển lên Bộ Xây dựng.
Mới đây, UBND TP HCM cũng đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị công nhận Phú Mỹ Hưng (khu A) là đô thị kiểu mẫu cấp quốc gia. Phú Mỹ Hưng hiện có tổng diện tích 409 ha, với quy mô dân số được duyệt khoảng 100.000 người. Khu đô thị này có đầy đủ các công trình hạ tầng xã hội đảm bảo yêu cầu phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, môi trường thiên nhiên cũng rất tốt với chỉ tiêu đất dành cho công viên cây xanh khoảng 9 m2 một người. Nếu được công nhận thì Phú Mỹ Hưng sẽ là khu đô thị kiểu mẫu cấp quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Hiện nay, tổng số đô thị lớn nhỏ trên cả nước là khoảng 750.